12a8thanthuong.blogspot.com (những thành viên)


Thứ Năm, 24 tháng 6, 2010

lịch sử hà nam ( nguonhttp://www.hanam.gov.vn/index.asp?subMenuID=14&language=tiengviet)

Ký ức mãi trào dâng




Chuyến xe đưa các cựu chiến binh (CCB) thăm lại chiến trường xưa, nhất là nơi diễn ra trận chiến bi hùng với quân Pháp cách đây tròn 55 năm (ngày 21-5-1954) tại vùng núi Chanh Chè (huyện Thanh Liêm, Hà Nam) xuất phát từ Hà Nội khi trời nắng chang chang. Vậy mà vừa đặt chân đến chiến trường xưa, một cơn mưa rào làm tiết trời dịu hẳn. Sau 55 năm gặp lại các cựu du kích, các mẹ, các chị từng chở che, nuôi dưỡng, giúp đỡ bộ đội và chăm lo phần mộ cho những người đã hy sinh, các CCB trở về trong những vòng tay siết chặt, những ánh mắt nhòa lệ... Ký ức của trận chiến đấu bi hùng tái hiện, dâng trào cùng ước vọng tri ân hàng trăm chiến sĩ, người dân đã ngã xuống trong trận chống càn bảo vệ quê hương…



Về nơi trận chiến bi hùng



Về trận chiến đấu chống càn bi hùng ngày 21-5-1954 của bộ đội chủ lực thuộc Trung đoàn 95 (Đại đoàn 325), Trung đoàn 48 (Đại đoàn 320) và du kích, nhân dân xã Thanh Tâm, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam, Báo Quân đội nhân dân đã đăng hai loạt bài: “Núi Chùa - Ký ức, máu đào”. Nhiều bạn đọc trong cả nước qua đó mới hiểu rằng, sau thất bại trên chiến trường Điện Biên Phủ ngày 7-5-1954, cuộc kháng chiến trường kỳ, gian khổ chưa kết thúc. Quân Pháp vẫn cay cú mở nhiều đợt càn quét ác liệt, đặc biệt là ở khu vực đồng bằng Bắc Bộ. Chúng cố giữ tuyến phòng thủ sông Đáy, tiêu hao sinh lực của ta và để vớt vát “thua trong danh dự”.







Các cựu chiến binh và cán bộ, du kích địa phương ôn lại những kỷ niệm trận chống càn ngày 21-5-1954

Địa bàn Thanh Liêm ngày đó dày đặc các đồn bốt của quân Pháp như bốt Tâng, Cõi, Cà, Sở, Non, Khởi Cầu... Các đơn vị bộ đội chủ lực của ta hoạt động ở khu vực này đã có những trận chiến đấu ác liệt với kẻ thù, mà trận chống càn tại núi Chùa - Chanh Chè (xã Thanh Tâm, huyện Thanh Liêm) là điển hình. Sáng 21-5-1954, mới qua một đêm di chuyển về đóng quân tại vùng núi Chanh Chè, Tiểu đoàn 227 (Trung đoàn 95) và một bộ phận cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 884 (Trung đoàn 48) đã phải chiến đấu chống trận càn quy mô lớn của quân Pháp. Dựa thế có hỏa lực mạnh, sức cơ động cao (xe bọc thép, máy bay, pháo binh)... địch liên tục tổ chức nhiều đợt tiến công vào các làng: Chanh Chè, Trà Châu, Khe Đá, Thong, Sở, núi Chùa... Được sự hỗ trợ đắc lực của bộ đội, du kích, nhân dân địa phương, bộ đội chủ lực đã đẩy lùi các đợt tiến công của địch. Cay cú vì thất bại và tiêu hao lớn sinh lực, quân Pháp sử dụng máy bay, xe lội nước ném bom, nã pháo dữ dội. Hàng trăm chiến sĩ, du kích, người dân đã anh dũng hy sinh. Sau trận chiến đấu, du kích, nhân dân địa phương đã quy tập, chôn cất hàng trăm liệt sĩ. Nghĩa trang xã Thanh Tâm hiện có hơn 200 ngôi mộ chưa xác định được danh tính...



Trào dâng ký ức - máu đào



Trở lại chiến trường xưa dự lễ tưởng niệm các liệt sĩ và gặp mặt nhân chứng lịch sử đúng ngày diễn ra trận chiến bi hùng 55 năm trước, do cấp ủy, chính quyền, cơ quan quân sự… huyện Thanh Liêm tổ chức có Thiếu tướng Triệu Huy Hùng, nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn 95, Đại đoàn 325; Thiếu tướng Bùi Huy Bổng, nguyên Chính trị viên Tiểu đoàn 884 (Trung đoàn 48); Thiếu tướng Ngô Huy Phát, nguyên trợ lý tác chiến và Đại tá Hàn Thụy Vũ, nguyên cán bộ chính trị Trung đoàn 48. Các lão du kích quân năm xưa trực tiếp phối hợp chiến đấu và chôn cất các liệt sĩ trong trận đánh này như các cụ Bùi Xuân Miêng, Bùi Ngọc Sách, Trần Văn Khoản, Trương Thị Nụ... Bốn người thân (gồm 2 em gái, 2 cháu ruột) của liệt sĩ Đoàn Công Kỷ, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 227, lần đầu tiên biết được thông tin về địa điểm người thân hy sinh tại Chanh Chè qua loạt bài “Núi Chùa - Ký ức, máu đào” đăng trên Báo Quân đội nhân dân đã tức tốc từ Quảng Bình ra Hà Nam kịp dự buổi gặp mặt các nhân chứng, tái hiện lại trận chiến đấu ác liệt ngày 21-5-1954.



Trong điều kiện chiến đấu bất lợi, Tiểu đoàn 227 (Trung đoàn 95) khi vừa tiếp nhận địa bàn do Trung đoàn 48 bàn giao, lại phải đối đầu với hai binh đoàn quân Pháp và ngụy, có máy bay, xe cóc yểm trợ... nhưng với tinh thần quyết chiến, quyết thắng, bộ đội ta được sự giúp đỡ của đồng bào, du kích địa phương đã tiêu diệt và làm bị thương hơn 300 tên, bắn cháy 5 xe các loại, buộc chúng phải rút lui, bảo vệ được nhân dân, làng mạc, mùa màng... Trong quá trình tìm sưu tầm tư liệu về trận chiến đấu ở núi Chùa, phóng viên Báo Quân đội nhân dân đã được Trung tâm Lưu trữ Bộ Quốc phòng tạo điều kiện tiếp cận hồ sơ gốc, khẳng định tính xác thực của sự kiện. Cục Chính sách, Tổng cục Chính trị cũng cung cấp cụ thể danh sách quân nhân hy sinh, mất tích trong trận chiến đấu trên. Theo hồ sơ của Trung đoàn hiện đang lưu trữ tại Trung tâm Lưu trữ Bộ Quốc phòng, số quân nhân hy sinh, mất tích của Tiểu đoàn 227, Trung đoàn 95 trong trận đánh này là 175 đồng chí.



Chan chứa nghĩa tình, ước vọng tri ân







Cán bộ, nhân dân, các cựu chiến binh thắp hương tưởng nhớ các liệt sĩ hy sinh dưới chân núi Chùa





Thăm lại chiến trường xưa, các CCB, đại diện cán bộ các đơn vị, các ban, ngành, đoàn thể và thân nhân các liệt sĩ vô cùng xúc động, cảm phục trước tấm lòng, sự chở che, đùm bọc, giúp đỡ của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân địa phương đối với bộ đội trong những năm kháng chiến gian khổ, ác liệt cũng như thực hiện đạo lý “Đền ơn đáp nghĩa”. Thiếu tướng Lê Phúc Nguyên, Tổng biên tập Báo Quân đội nhân dân đánh giá: Trận chống càn bi hùng của bộ đội Tiểu đoàn 227 và một số cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 884 tại núi Chùa - Chanh Chè thể hiện sinh động truyền thống, tình quân - dân cá nước, sự phối hợp tác chiến chặt chẽ, ngoan cường của bộ đội chủ lực và bộ đội, du kích địa phương. Đây còn là một hình ảnh đẹp về sự đùm bọc, giúp đỡ vô cùng to lớn của nhân dân địa phương không chỉ trong chiến đấu mà cả sau chiến đấu, đã chôn cất, hương khói, chăm sóc chu đáo phần mộ của các liệt sĩ suốt 55 năm qua. Các đồng chí cán bộ cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến huyện, xã luôn quan tâm sâu sắc, tạo mọi điều kiện thuận lợi để tổ chức nhiều hoạt động tri ân các liệt sĩ đã hy sinh. Các đồng chí: Đinh Văn Cương, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Trần Xuân Lộc, Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Như Lâm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Đại tá Phạm Hoài Giang, Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh… trực tiếp chỉ đạo các ban, ngành của tỉnh và huyện Thanh Liêm phối hợp các cơ quan liên quan tập hợp tư liệu, gặp gỡ nhân chứng, góp phần làm sáng tỏ sự kiện bi hùng này. Tỉnh ủy, UBND tỉnh thống nhất chủ trương quy hoạch, xây dựng khu tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ tại núi Chùa. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy khẳng định: Đây là việc làm có ý nghĩa chính trị - xã hội sâu sắc, thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn, đền ơn đáp nghĩa” của cán bộ, lực lượng vũ trang và nhân dân địa phương. Khu tưởng niệm là công trình văn hóa, lịch sử để thân nhân các liệt sĩ, các CCB, nhân dân và thế hệ mai sau mãi mãi ghi nhớ công lao của bộ đội, du kích, nhân dân đã không tiếc máu xương, ngã xuống vì độc lập, tự do của Tổ quốc.



Tại cuộc gặp mặt các nhân chứng lịch sử do huyện Thanh Liêm tổ chức, các ý kiến phát biểu đều mong muốn các cơ quan chức năng, đơn vị và chính quyền, ngành Lao động, Thương binh, Xã hội các địa phương có quân nhân hy sinh tiếp tục phối hợp giải quyết tồn đọng chính sách liên quan đến trận chiến đấu trên và công trình tưởng niệm các liệt sĩ sớm được khởi công xây dựng, hoàn thành. Đồng chí Trịnh Văn Thực, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Thanh Liêm điểm lại những hy sinh to lớn của các thế hệ cha anh trong trận chiến đấu tại núi Chùa - Chanh Chè cũng như các trận đánh khác trên địa bàn huyện Thanh Liêm và tỉnh Hà Nam. Đó mãi mãi là những chiến tích hào hùng, là niềm tự hào về truyền thống đấu tranh bất khuất chống giặc ngoại xâm của Đảng bộ, quân và dân huyện Thanh Liêm, có ý nghĩa giáo dục truyền thống sâu sắc, đặc biệt là với thế hệ trẻ. Huyện sẽ tập trung chỉ đạo thực hiện tốt việc tập hợp tư liệu, biên tập kỷ yếu của trận đánh bi hùng ít được biết đến và lưu lại qua sử sách, đề nghị cơ quan chức năng thẩm định, bổ sung vào lịch sử Đảng bộ xã Thanh Tâm và huyện Thanh Liêm. Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Đức Hiển cho biết: Cùng với tiếp tục phối hợp với các cơ quan, đơn vị giải quyết tồn đọng chính sách, thực hiện tốt chính sách hậu phương quân đội, huyện sẽ đẩy nhanh việc khảo sát, quy hoạch, lập dự án thiết kế, thi công xây dựng khu tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ tại núi Chùa - Chanh Chè.



Đại tá Nguyễn Quốc Hà, Chính ủy Đoàn B25 (Binh đoàn Hương Giang) và Thượng tá Nguyễn Văn Dũng, Chính ủy Đơn vị 95 xúc động trào dâng khi được đến thăm lại nơi thế hệ đi trước của đơn vị đã chiến đấu quả cảm, nhiều đồng chí đã hy sinh anh dũng. Sự mất mát, hy sinh rất to lớn, nhưng ai cũng cảm thấy ấm lòng bởi sự tri ân, tấm lòng chở che, đùm bọc, thương yêu của nhân dân địa phương đối với cán bộ, chiến sĩ đơn vị trong quá trình chiến đấu cũng như khi ngã xuống, bị thương. Lớp lớp cán bộ, chiến sĩ đơn vị sẽ mãi mãi nhớ ghi, phát huy truyền thống và mong muốn góp phần thiết thực cùng địa phương xây dựng khu tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ trong trận chống càn bi hùng không thể lãng quên tại núi Chùa - Chanh Chè cách đây tròn 55 năm./.

0 nhận xét: